Mở rỗng để tương thông
Nhận một căn hộ mới hay dọn về ở một ngôi nhà mới, việc đầu tiên mà nhiều chủ nhân nghĩ tới, đó là làm sao lấp đầy, tận dụng không gian bằng những vật dụng, đồ nội thất.
Sự háo hức mua sắm, cảm hứng tiêu dùng luôn tiềm tàng một nguy cơ biến ngôi nhà thành ra rối rắm, thiếu những khoảng thở.
Những sự việc đáng tiếc trên có thể xảy ra với bất cứ ai khi vừa dọn về không gian ở mới. Vì tâm lý nhìn đâu cũng thấy cần, sự chạy theo tiện nghi dễ đẩy vấn đề sắm sửa đi quá trớn, tác dụng ngược.
Thực tế là trong thiết kế kiến trúc, yêu cầu thiết kế những khoảng trống trong nhà luôn được xem là quan trọng nhưng dường như không được những kiến trúc sư thời đại đề cao công năng, sùng bái đồ vật chú trọng tới. Một phần nữa, như đã nói, không phải chủ nhà nào cũng ý thức về mức độ quý giá của những khoảng không trong chính ngôi nhà mình. Và cuối cùng kiến trúc sư vẽ vời một chút, chủ nhà thích “trình diễn” một chút là hỏng chuyện. Tham thì rối. Tham thì tối. Tham thì… không kịp hối. Bi đát nhất là đến lúc chính chủ nhà phải rầu rĩ tìm cách tống khứ bớt những món đồ phi lý trí vừa mới mua được, kiến trúc sư bị trách móc rằng không đưa ra “chống chỉ định” để mọi việc nên nông nổi…
Trong cấu trúc một ngôi nhà, các khoảng trống được xem là các “giao lộ”, không gian nghỉ ngơi nhàn tản hay đơn giản là một khoảng nhìn thoáng đãng. Ở đó, chủ nhân thoát khỏi những vướng bận thuộc về công năng của các vật dụng để tìm thấy sự thoải mái. Khoảng trống được xem là sự tiếp nối liên kết cần thiết đem lại nguồn cảm hứng, cân bằng tinh thần cho gia chủ khi sống trong chính ngôi nhà mình (một cửa sổ trống mở ra vùng trời rộng, một khoảng thông tầng trồng hoa lá, hay khoảng trống liên thông giữa các phòng…). Đó còn là khoảng kết nối giữa con người với thiên nhiên, bên trong và bên ngoài (như giếng trời, các hành lang, bancông, khoảng sân…). Một ngôi nhà giàu có, theo cách hiểu hiện đại, không phải là nơi nhấn chìm con người trong vô số vật dụng quý giá, đắt tiền, mà là thả con người tự do tự tại trong không gian. Đó chính là không gian đem lại cho con người cái cảm giác được sống và được thở thực sự.
Trong một công trình bàn về triết học phương Đông trong kiến trúc hiện đại, giáo sư, kiến trúc sư Amos Il Tiao Chang (đại học Kankas) đã chiêm nghiệm từ nhãn giới Đạo đức kinh (Lão Tử) để luận về cái tính rỗng cần thiết trong kiến trúc hiện đại. Ông viết: “Thể rắn tự thân đã có giới hạn và vô hồn, trong khi không gian trống rỗng lại có thể tương thông và có tiềm năng để trở thành một điều gì to tát hơn bề ngoài hời hợt. Không một ai có thể lượng định độ dài của đời sống tinh thần, tương tự như thế, không một ai có thể lượng định sự hỗ trợ mà sự trống rỗng bình thường có thể đã ban tặng theo thời gian như được thực chứng qua hàng triệu đôi mắt. Đối với một nhà kiến trúc sư mà cơ cấu kiến trúc vượt ra ngoài chức năng cụ thể, thì sự giảm thiểu khối hình hoặc sự lưu giữ khoảng không trống rỗng đầu có sự đóng góp của nó vào mỹ học. Tự thân như là một hiện thể trống rỗng, khoảng không này có thể trở thành những dạng hình phong phú dựa vào sự phụ thuộc của nó vào vật thể rắn. Tương tự như một tác phẩm âm nhạc, vật thể rắn đóng vai trò của bè cao để kết tính giai điệu kiến trúc, gọi là sự trống rỗng của khoảng không đóng vai trò của phần đệm hoà âm cố hữu một cách mạch lạc mà không biểu hiện bất kỳ một hình dạng khả tri nào của riêng nó”
Câu chuyện khoảng trống trong ngôi nhà tác động đến tầm nhìn, đời sống tâm lý, cảm giác, tinh thần của con người lại thuộc vào cảm nhận, nó là một hiện thực khó nắm bắt như không khí để thở. Nhưng một trong những điều quan trọng, theo cách nói của ông giáo sư trên, là nó hoàn toàn “hữu hình”, tác động đến sự mạch lạc của không gian và nhất là đem lại hiệu quả thị giác. Có lẽ nắm rõ những nguyên tắc này, mà những công trình kiến trúc hiện đại về sau (nhất là tại Nhật Bản, nơi chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi triết lý Lão Tử và tinh thần buông xả tĩnh tại của Thiền tông) chú trọng cái cực thiểu, nghĩa là giải phóng khoảng trống cho không gian, cũng là giải phóng cho chủ nhân trước nguy cơ bị những hình khối thể rắn đầy toan tính của đồ vật đè nặng lên cảm trạng sống.
Theo SGTT