Nhà ba mặt giáp đường
Chủ nhà người tuổi Mậu Tuất, muốn xây nhà 4 tầng.
Tôi có mảnh đất rộng 4,7 m, dài 15 m, ba mặt giáp đường đi. Mặt trước hướng đông nam, tiếp giáp đường rộng 5 m. Hướng đông bắc dài 15 m, tiếp giáp đường hẻm 3 m, hướng tây nam dài 15 m, tiếp giáp đường hẻm 2 m. Hai vợ chồng đều tuổi Mậu Tuất. (Phạm Quốc Hải)
Yêu cầu:
Tôi muốn xây nhà với yêu cầu tầng trệt chỉ có một phòng ngủ cho người già (hiện tại đã có bếp riêng). Phòng ngủ này trong tương lai sẽ chuyển thành bếp, phòng ăn và có cầu thang lên tầng trên, diện tích còn lại để trống làm garage ôtô và xe máy. Cầu thang tiền sảnh để lên phòng khách lầu một.
Lầu một có phòng khách, phòng ngủ. Lầu hai có hai phòng ngủ, một phòng thờ.
Vậy nhà nên bố trí như thế nào cho đúng phong thủy và hợp tuổi Mậu tuất. Rất mong nhận được sự tư vấn.
Trân trọng cảm ơn.
Trả lời
Qua thông tin anh gửi, chúng tôi đưa ra gợi ý về phong thủy của ngôi nhà như sau:
Chủ nhà sinh năm Mậu Tuất (1958) quẻ mệnh Càn, hành Kim. Theo bát quái của gia chủ mệnh Càn thì bốn hướng tốt là Tây (Sinh Khí), Đông Bắc (Thiên Y), Tây Nam (Diên Niên), Tây Bắc (Phục Vị). Bốn hướng xấu nên tránh là Đông Nam (Họa Hại), Bắc (Lục Sát), Đông (Ngũ Quỷ) và Nam (Tuyệt Mệnh).
Tầng một, theo yêu cầu của gia chủ, có garage, phòng ăn và bếp, một phòng ngủ cho người già và hai cầu thang trong và ngoài. Với diện tích như vậy, lại phải có cầu thang ngoài dẫn lên phòng khách và muốn đáp ứng đủ cơ cấu các không gian sử dụng, giải pháp mà chúng tôi đưa ra là sử dụng thang một vế bám theo chiều dọc nhà đối với cầu thang chính để tiết kiệm diện tích. Phòng ngủ và bếp sẽ nằm trên mức cốt sàn cao hơn so với garage. Đây cũng là một giải pháp ngăn chia không gian tương đối và khá cần thiết. Phòng ngủ người già nằm ở vị trí yên tĩnh, gần khu bếp và phòng ăn, sau này có thể hợp với diện tích bếp cũ tạo thành khu ăn rộng rãi và thoải mái cho gia đình.
Tầng hai, phòng khách đầy đặn vuông vắn cùng với không gian tiểu cảnh, sẽ tạo thành một điểm nhấn. Ở khu tiểu cảnh, gia chủ có thể thoải mái thể hiện khả năng sáng tạo và tưởng tượng của mình để trang trí, tạo không gian thư giãn. Phòng ngủ chính của hai vợ chồng khá đẹp, có khu vệ sinh riêng và không gian thoải mái để sắp xếp nội thất theo ý muốn.
Tầng ba gồm hai phòng ngủ và gian thờ. Thông thường ở nhiều nhà phố hiện đại, gian thờ có thể kết hợp với phòng sinh hoạt chung hay không gian thờ cúng có thể kết hợp với thư viện gia đình, phòng đọc… có thể được đưa lên tầng cao nhất của ngôi nhà (tầng tum). Nhưng nhiều khi theo quan điểm của người Việt Nam, không gian thờ cúng là nơi thiêng liêng, thể hiện lòng hiếu kính trọng với tổ tiên, ông bà nên cần đặt gần con cháu, trong sự bao bọc, gần gũi của cháu con…
Theo chúng tôi, chủ nhà nên đưa thêm tầng tum vào không gian sử dụng của mình. Đây có thể là không gian vừa riêng, vừa chung của cả gia đình, là nơi thư giãn, nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt mỏi của các thành viên. Theo xu hướng hiện nay, những không gian riêng như thế này cần thiết và ngày càng chứng tỏ được tác dụng. Ở đó có thể có sân phơi với khu giặt, có thư viện nhỏ của gia đình với khu đọc thoáng mát ngoài trời, có một sân chơi một không gian uống nước…
Khu đất của gia đình có ba mặt giáp đường (ngõ), ba hướng đều tiếp xúc thiên nhiên, nên việc giải quyết vấn đề thông thoáng và gió là không quá phức tạp. Những ô cửa sổ hay những mảng kính chạy dọc theo chiều cao của nhà sẽ giúp lấy sáng cho khu thủy cảnh của các tầng…
Đất quay theo hướng đông nam không phải là hướng thuận của gia chủ. Với diện tích như thế và số lượng phòng không ít thì việc hài hòa giữa phong thủy nhà và công năng thực sự không dễ dàng. Đối với tuổi Mậu Tuất của anh, trước cửa chính có thể trải tấm thảm màu trắng hoặc vàng sậm để tăng thêm vượng khí và giảm bớt khí xấu. Nội thất nên chú trọng đến hai màu trắng và vàng sậm, với vật liệu kim loại có thể kết hợp thêm vật liệu hành khác (như thủy, bể cá, màu đen hoặc lam xám…)
Chúc gia đình có căn nhà như ý!