Những lỗi nên tránh khi thiết kế, thi công nhà
Nhiều gia chủ cũng như nhà chuyên môn không quan tâm nhiều từ đầu lúc thiết kế hoặc làm phần thô. Nhưng khi hoàn thiện và đưa vào sử dụng thì mới thấy bất tiện, thiếu thẩm mỹ và khó chịu.
Khi dầm đà bố trí hợp lý, đóng trần chỉ còn là giải pháp trang trí tăng thêm thẩm mỹ và chiếu sáng.
Kết cấu nhà dân dụng hiện nay ở Việt Nam đa số đều dựa vào bộ khung bêtông có dầm đà và tường gạch bao che, ngăn chia. Kết cấu này phù hợp với các đặc điểm địa chất, kỹ thuật và không gian sử dụng, đồng thời cũng đòi hỏi việc bố trí nội, ngoại thất của ngôi nhà cần lưu ý đến bộ khung đó ngay từ đầu, tránh để những chi tiết kết cấu ảnh hưởng đến sự hoàn thiện của toàn nhà.
Trước tiên là hệ thống cột
Chúng ta để ý nhà kiểu kiến trúc Pháp thuộc địa (còn gọi là nhà Tây) có rất nhiều cột nhưng cột ít khi “nằm chình ình” giữa nhà mà luôn được bố trí giãn biên một cách cân đối, kết hợp vòm trang trí, giành vị trí cho phần không gian chính được vuông vức hoặc tròn trịa. Chẳng ai muốn nhà mình có một cây cột nằm ngay giữa, nhưng một số thiết kế thiếu quan tâm vẫn để xảy ra tình trạng này, nhất là đối với nhà chiều ngang rộng. Gia chủ khi xây nhà, cần quan tâm đến việc có cây cột nào làm “nghẽn mạch” như vậy không để khắc phục ngay từ phần thiết kế như cho cột “trốn” vào tường, bo tròn cột hoặc thay vì làm một cột thì tách ra làm hai để bố trí lối đi ở giữa, kết hợp các cột làm tủ trang trí… Còn nếu như mua nhà xây sẵn đã có cột án ngữ thì biện pháp khắc phục chủ yếu là dùng đồ nội thất để xoá “cột” như tạo các vách ngăn lửng, hay làm tủ bọc cột vào trong.
Những hốc tường, bồn hoa nho nhỏ vừa thêm công năng vừa tăng thẩm mỹ.
Cột thường đi cùng với đà (dầm) hình thành nên bộ khung, thậm chí có những đà phụ giao nhau tạo nên nhiều ô chia cắt bên dưới sàn mà nếu không khéo xử lý sẽ tạo ra những ô sàn nhìn lên khá vướng víu hoặc thiếu thẩm mỹ (đóng bụi, mạng nhện…) do các dầm tạo ra. Cách khắc phục vẫn là phòng “bệnh” từ đầu, hoặc tính toán đóng trần nhưng cần lưu ý không phải gia chủ nào cũng thích đóng trần (chi phí, quan niệm thích nhà cao thoáng, ngại tạo nên hang hốc…) Vì vậy, giải quyết các ô sàn “đẹp” ngay từ khi đổ bêtông luôn là điều cần lưu tâm.
Những vị trí tại cửa ra vào, hộp che cửa cuốn hay đà viền mép sàn gác lửng cũng là những tiểu tiết gây khó chịu trong quá trình sử dụng nếu không khéo xử lý ngay từ phần thiết kế và xây thô. Ví dụ như nhà có tầng lửng (thường theo quy định cao dưới 2,5m) thì phần dầm đà ngoài mép lửng nên làm theo kiểu lật lên trên để bên dưới khi đi vào không bị cảm giác vướng và đè lên trên không gian tiếp khách.
Hệ thống kỹ thuật hiện nay dù đã đi âm khá nhiều nhưng vẫn có những chỗ bắt buộc phải “lộ diện”, ví dụ hộp tủ điện tổng và tủ điện từng tầng, đồng hồ điện nước đấu nối từ ngoài vào, các ổ cắm công tắc nằm tại những vị trí tiện sử dụng nhưng lại khó trang trí… Đây là các chi tiết không ảnh hưởng nhiều nhưng cần gia chủ đặt vấn đề với nhà thiết kế nội thất, để có thể làm những tủ kệ vừa kết hợp sử dụng vừa có thể che chắn các hộp kỹ thuật, giúp ngôi nhà đồng bộ hơn.
Bo tròn các góc cột, đặt cây xanh làm nội thất thêm phần mềm mại.
Theo Archi