Những ngôi nhà chọc trời trên sa mạc ở Yemen
Thuở trước nam Yemen nằm giữa dãy Anden và biên giới với Oman. Nếu không tính đến dải bờ biển cô độc thì Hadramaut là điểm thu hút khách du lịch chính của vùng này. Chúng tôi đã đến đây – ở phía dưới những pháo đài bằng đất sét và đi trên lòng những con sông Wadi (chỉ có nước vào mùa mưa lớn) đẹp một cách hoang dại.
Vườn cọ và những ngôi nhà màu sắc sặc sỡ
Những tòa nhà sặc sỡ bằng đất sét ở Hadramaut
Dải bờ biển phía nam dài hơn 1.300km kéo dài từ Bab al-Mandab, cửa ngõ của biển Đỏ, dọc theo Ấn Độ Dương đến tận biên giới với Oman. Vùng này có hai thành phố lớn nhất nam Yemen – đó là Aden và al-Mukalla. Ba con sông Wadi lớn nhất đổ ra biển ở phía nam này. Vùng cao nguyên phía nam là thượng nguồn của hai con sông Wadi Tuban và Wadi Bana. Vùng hạ lưu của những con sông này là những cánh đồng màu mỡ nằm ở phía tây thành phố Aden.
Cao nguyên al-Jol, vùng đất cằn cỗi ở trên độ cao tới 2.000m, chắn con sông Wadi Hadramaut đổ ra biển chỉ cách nó có 150km. Con sông dài 250km được chia làm 3 đoạn. Phần phía tây là al-Kasr với thung lũng phụ Wadi Du’an và Wadi al-’Ain. Đoạn giữa là al-Batina. Đoạn phía đông từ Shibam tới Tarim với các thung lũng phụ Wadi Bin ’Ali và Wadi ’Idim được gọi là as-Sarir. Phần nối tiếp của thung lũng chính là con sông Wadi al-Masila dài 300km đổ ra Ấn Độ Dương ở phía đông nam.
Hadramaut trước hết nổi tiếng với kiểu kiến trúc bằng đất sét ấn tượng của nó. Nổi bật lên trong đó là Shibam được mệnh danh là “Chicago của sa mạc”. Ngoài ra Hadramaut còn có một bờ biển dài với phong cảnh hút hồn. Đàn ông ở đây không đeo dao găm hay súng Kalaschnikow (súng AK), không mặc áo Jalabiya (áo truyền thống của đàn ông Ả Rập) hay áo vét mà họ sắm cho mình những chiếc khăn quấn đầu sặc sỡ và một khăn đeo hông cũng màu mè không kém.
Phụ nữ Bedouin đeo burqa’, một loại khăn bịt mặt được thêu rất cầu kỳ và công phu tạo thêm vẻ kỳ bí, quần áo của họ có những tông màu khá chói mắt. Họ đội những chiếc mũ nan cao (mũ gubbas) đặc trưng của vùng Wadi Hadramaut. Điểm lạ ở đây là sự ưa thích những màu nổi trội, đặc biệt là ở vùng Wadi Du’an. Và phụ nữ ở Tarim thường vẽ lên tay mình những mẫu Henna rất đẹp và cầu kỳ.
Trong khi ở miền bắc của Yemen buổi chiều các chợ Suqs vẫn mở cửa nhưng ở Hadramaut thì cuộc sống gần như ngừng lại. Vì quá nóng nên người ta đi tránh cái nắng cháy da cháy thịt ấy để nghỉ ngơi và thưởng thức “siesta orientale” (giấc ngủ trưa kiểu Trung Cận Đông).
Vào cuối buổi chiều, khi cả thành phố ánh lên một màu vàng dưới ánh nắng ban chiều thì người ta mới hiểu tại sao nó lại được gọi với cái tên as-Safra, vàng như bột Saffron. Thành phố được bao bọc bởi một bức tường đất cực lớn mà bên trong là những tháp nhà cao chọc trời chen chúc nhau trên một quả đồi. Những ngôi nhà cao chọc trời được xây dựng cận kề bên nhau cũng có lý do của nó: thứ nhất như vậy họ tiết kiệm được đất đai dành cho sản xuất nông nghiệp, thứ hai là để tránh cái nắng nóng của xứ sở sa mạc này và điều tiên quyết là ở trên đồi sẽ tránh được lũ lụt.
Điều này tạo cho thành phố một dạng kiến trúc riêng: dưới tầng trệt của các ngôi nhà là những hành lang tách biệt với phòng sinh hoạt, chúng được gọi là mawåd. Qua đó phụ nữ ở đây có thể đi từ nhà này sang nhà khác hay đi từ khu phố này sang khu phố khác mà không bị người ngoài nhìn thấy hay nhòm ngó.
Lịch sử của Shibam bắt đầu từ thiên niên kỷ thứ 3 trước công nguyên. Đây là thủ đô của quốc vương Hadramaut sau khi Shabwa bị phá hủy. Trước đây 400 năm Shibam còn rộng hơn hiện tại rất nhiều.
Thành phố Shibam ánh lên màu vàng dưới nắng buổi chiều tà
Những ngôi nhà cao đứng san sát nhau
Ngõ phố tại Shibam
Sau những trận lụt lịch sử vào thế kỷ thứ 13 và 16 thành phố này đã mất đi vị thế của mình – kể cả sau khi người ta đã xây dựng một hệ thống đê điều tránh lũ lụt ở phía tây thành phố. Nhà cửa ở đây có niên đại đến 300 năm – hiện tại chúng bị đe dọa bởi nước thải xả bừa bãi làm hệ thống móng của các ngôi nhà bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Những công trình mới cũng được xây dựng theo kiểu kiến trúc cũ. Những cánh cửa bằng thiếc mà người ta gặp ở khắp Yemen thì ở đây hoàn toàn không có. Thay vào đó là những cánh cửa gỗ với ổ khóa truyền thống sử dụng chìa khóa cũng bằng gỗ và được cất trong những hộp gỗ làm bằng tay rất cầu kỳ.
Những cánh cửa đặc trưng bằng gỗ
Ổ khóa truyền thống
Cả thành phố là một kiệt tác nghệ thuật. Những ngôi nhà với những kiểu kiến trúc lạ mắt và những chi tiết lý thú không thể đếm xuể. Bạn nên dành nhiều thời gian cho một vòng lượn quanh thành phố. Tiếc rằng bức tường ngoài bao bọc nhà thờ Hồi giáo Jami’ Harun ar-Rashid – được xây dựng từ thế kỷ thứ 9 – đã che chắn người ngoại đạo thưởng thức vẻ đẹp của nó.
Khu Sahil của thành phố nằm ở phía bên kia lòng sông cạn và từ trên sường đồi ở đây bạn có thể thưởng thức toàn cảnh tường thành Shibam. Bù lại cho việc leo trèo bở hơi tai, du khách sẽ được thưởng thức một khung cảnh tuyệt vời từ trên cao mặc dù nhiều khi phải chen chân nhau ở đây để chụp ảnh.
Mặt tiền lạ mắt của các ngôi nhà
Cách đây không lâu tường thành Shibam được tu sửa lại và du khách có thể lượn quanh thành phố dọc theo nó. Cứ một đoạn lại có một cổng mở ra đưa du khách đến với những vườn cọ phía dưới. Toàn cảnh bức tường cũng như những ngôi nhà cao chọc trời du khách có thể thưởng thức từ những vườn cọ ở phía bắc thành phố.
Thành phố Tarim nổi tiếng với sự mộ đạo của người dân ở đây và hàng loạt nhà thờ đạo Hồi cũng như sự giàu sang của gia đình lái buôn al-Kaf. Tarim nằm lọt trong vòng vây của vành đai cọ nằm ngay giao điểm của ba con sông Wadis. Cái tên thứ hai của thành phố này là al-Ghannå, có nghĩa là “thành phố hát” bởi lẽ tại đây nghệ thuật ca hát rất được trọng vọng và gìn giữ.
Nhà thờ Hồi giáo ở Tarim
Những gia đình quý tộc ở đây được dân chúng kính trọng và họ được hưởng những quyền lợi rất lớn. Người dân thường không được đặt một số tên gọi có liên quan tới Muhammad – chúng chỉ được dành cho con em của các gia đình quý tộc sayyids. Và họ cũng có những nghĩa trang riêng mà khi bước chân vào đây ai cũng phải cởi giày dép.
Một trong những công trình kiến trúc do gia đình al-Kaf xây dựng
Còn danh tiếng của gia đình al-Kaf có được là nhờ phần nhiều vào sự giàu sang của cha ông họ chứ không phải do họ có những hành động từ thiện hay ngoan đạo. Họ là những nhà kinh doanh giỏi và cũng là chủ xây dựng lớn. Họ đã xây trên 10 lâu đài được chia đều trên phạm vi của thành phố.