Những thành phố đi vào huyền thoại
Nội dung
Cahokia, Atlantis và Babylon… đều là những thành phố bí ẩn tuyệt vời mà dường như chỉ tồn tại trong các tác phẩm của lịch sử cổ đại hoặc những câu chuyện dân gian. Theo truyền thuyết, những thành cổ này từng sở hữu cung điện nguy nga tráng lệ, đấu trường rộng lớn, những khu chợ sầm uất và nhiều bảo vật quý hiếm.
Cùng tìm hiểu về kiến trúc cổ xưa của những thành phố đã đi vào huyền thoại – nơi ghi dấu lịch sử văn minh của nhân loại.
Cahokia
Với hơn 30.000 cư dân vào thời điểm cực thịnh trong năm 1100, thành phố Cahokia, Illinois là thành phố đầu tiên và lớn nhất thời bấy giờ của Mỹ.
Cahokia là một thành phố đặc biệt được qui hoạch rất chi tiết với kiến trúc được xây dựng trên những ngọn đồi bậc thang thấp trông “hao hao” như những Kim tự tháp cổ. Tại đây có chừng 120 ngọn đồi rải rác và tại trung tâm là ngọn đồi cao nhất – đồi Monk, đóng vai trò là vị trí chiến lược, từ đây có thể bao quát được toàn thành phố.
Trung tâm của nền văn hóa Mississippi này đã phát triển khá hoàn thiện bộ máy cầm quyền, giao thương thương mại và kiến trúc cũng như quy hoạch thành phố. Do ảnh hưởng của việc thay đổi khí hậu làm cho lương thực thực phẩm trở nên khan hiếm, sản lượng nông nghiệp giảm sút đã dẫn đến sự suy tàn của thành phố này vào năm 1250 và gần như bị bỏ hoang vào năm 1400 sau Công nguyên.
Tây An
Tây An, thành phố tỉnh lỵ tỉnh Thiểm Tây,Trung Quốc thời xưa là trung tâm quyền lực của 13 vương triều cổ đại Trung Quốc. Đây là thành phố có hơn 3100 năm lịch sử với tên gọi lúc bấy giờ là Trường An hay Tràng An. Đội quân đất sét với 6.000 bức tượng độc đáo bằng kích cỡ của người thật được chôn theo để bảo vệ ngôi mộ của vị hoàng đế vĩ đại Tần Thủy Hoàng làm danh tiếng của Tây An ngày nay vẫn “nổi như cồn”.
Great Zimbabwe
Trải dài trên 7.3 km và lối kiến trúc “độc nhất vô nhị” tại Châu Phi, thành phố Great Zimbabwe thực sự làm những người thực dân Châu Âu đầu tiên đặt chân đến đây phải ngạc nhiên. Họ không thể tin rằng các dân tộc thiểu số vùng Sahara này lại có khả năng sáng tạo đáng kinh ngạc như vậy.
Thebes
Hầu hết khi nghĩ đến Ai Cập cổ đại, mọi người sẽ nghĩ ngay đến Cairo với các Kim tự tháp lớn đã đi vào huyền thoại nhưng huyết mạch của các triều đại Pharaoh thực sự chảy ở phía xa hơn nữa về phía Đông của sông Nile, nơi thành phố Thebes ngự trị.
Đây là thủ phủ của Ai Cập trong suốt thời đại thống trị của mình, bắt đầu từ Vương triều cũ 4500 năm trước và là nơi đặt hai ngôi đền tôn kính nhất là đền Karnak và Luxor.
Tenochtitlan
Lịch sử từng ghi nhận Tenochtitlan là một trong những thành phố lớn nhất và đẹp nhất của thế giới. Thủ đô của đế chế Aztec, mà ngày nay chính là thành phố Mêxico, đã từng có hơn 300.000 cư dân sinh sống cho đến khi người Tây Ban Nha đến xâm chiếm vào năm 1521.
Như mong muốn của một vị thần Aztec tối cao, thành phố đã được xây dựng trên một hòn đảo nằm trên hồ Texcoco, trong thung lũng của Mexico.
Dưới bàn tay của những kĩ sư tài năng bậc nhất, thành phố Tenochtitlan thật sự là một tuyệt tác kiến trúc, được quy hoạch tổng thể rất quy mô, chỉnh chu với một hệ thống phức tạp những đường bờ đê và kênh rạch giúp đảm bảo lưu thông trong thành phố. Đây thực sự giống như một thành phố “trong mơ” với những ai có được cơ hội tận mắt chiêm ngưỡng nó.
Cuzco
Tất cả các con đường ở đế chế Inca cổ xưa đều dẫn đến Cuzco, một thủ phủ vô cùng nhộn nhịp nằm trên dãy núi Andes từ đầu những năm 1400, sau đó bị rơi vào quên lãng và được phát hiện bởi những nhà thám hiểm Châu Âu vào năm 1532.
Cuzco, có nghĩa là “cái rốn của vũ trụ” là kinh đô một thời của đế chế Inca trải dài từ Ecuador đến Chile với 25.000 dặm đường lát và các hệ thống thủy lợi có tính ứng dụng cao, những kiến trúc đã giúp vinh danh người Inca như là “những người La Mã của Tân thế giới”.
Babylon
Nổi tiếng với khu vườn treo kì lạ của mình, thành phố cổ đại Babylon bên dòng Lưỡng Hà có một lịch sử đầy biến động. Tất cả mọi người thời đó từ những người Assyrians cổ đến Alexander Đại đế đều muốn chiếm được vị trí chiến lược này, và nó đã trở thành thủ đô của rất nhiều đế chế cai trị trong giai đoạn hơn 1000 năm.
Constantinople
Ngày nay nó đã bị chia cắt bởi hai lục địa như là thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ nhưng thành phố Constantinople cổ xưa chưa bao giờ phải chia sẻ ánh hào quang của nó ngay cả sau khi Rome bị thất sủng vào thế kỉ thứ 4 sau Công nguyên.
Từ giai đoạn đó đến thời Trung cổ, Constantinople là thành phố giàu nhất và lớn nhất thế giới, là trung tâm quyền lực của Đế chế La Mã mới, đế chế Byzantine và cuối cùng là Đế quốc Ottoman, được biết đến với tên gọi là “Nữ hoàng của các Thành phố” (Vasileuousa Polis).
Athens
Chế độ dân chủ, toán, triết học, Thế vận hội Olympics sẽ không được ra đời nếu không có sự tồn tại của thành phố Athens, thủ đô mĩ lệ của Hy lạp cổ đại.
Họ đã vinh danh chiến thắng của mình bằng việc xây dựng ngôi đền thờ lớn Parthenon, biểu tượng tiêu biểu cho nghệ thuật và kiến trúc của người Hy Lạp cổ đại.
Là trung tâm nghệ thuật, nghiên cứu với Học viện Plato và khu vườn Aristotle, Athens được coi là cái nôi của nền văn minh phương Tây, chứa đựng những di sản văn hóa lớn của thế giới. Một dịch bệnh lớn mà khả năng là bệnh sốt thương hàn đã dẫn đến sự suy tàn của đế chế này.
Rome
Nếu đã một lần được chiêm ngưỡng thành phố Rome thời hiện đại, bạn sẽ không khỏi thán phục, trầm trồ trước quá khứ huy hoàng của nó khi dấu ấn vẫn còn in đậm nơi những di tích cổ còn tồn tại đến ngày nay.
Đấu trường La Mã Colosseum, đền Pantheon, khu chợ The Forum chỉ là một vài cái tên tiêu biểu gợi nhớ về thủ đô xưa của một đế chế hùng mạnh thống trị 3 châu lục với dân số hơn 100 triệu người.
Thật không may, người ta không thể có đủ bằng chứng để có thể xây dựng và tái tạo một cách nguyên vẹn và chính xác những thành cổ này, tất cả đã bị phá hủy do chiến tranh, bị bỏ rơi bởi nạn đói và bệnh tật, hoặc bị nuốt chửng bởi biển khơi và không để lại dấu tích gì.
Bên cạnh đó, sự tồn tại của một số thành phố thậm chí không thể được chứng minh. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ học vẫn khám phá ra nền văn hóa cổ xưa của nó nhờ những dấu vết lịch sử còn xót lại.
Theo kenh14