Thành phố trong giấc mơ nàng công chúa
Praha hấp dẫn bằng nhiều vẻ đẹp và vô cùng duyên dáng bởi các bí ấn luôn hé mở theo từng bước chân đi.
Theo truyền thuyết, hơn ngàn năm trước Praha được xây dựng từ sau giấc mơ của nàng công chúa Libuse về một thành phố lộng lẫy và vinh quang bên bờ sông Vltava .
Và đây mới là điều kỳ diệu hơn cả: không như các thành phố khác của châu Âu, qua bao biến động lịch sử, dâu bể đời người, những cuộc chiến tranh tàn khốc, Praha chẳng suy suyển chi nhiều, và khi bước ra khỏi thế chiến II, thành phố gần như nguyên vẹn thuở sinh thành. Đặc biệt sau cuộc cách mạng Nhung 1989, Praha lại được điểm tô bởi nhiều nguồn đầu tư nước ngoài và những dự án trùng tu, trong đó có dự án dành cho hàng triệu triệu khách du lịch mà thành phố đón tiếp mỗi năm.
Sông Vltava chia Praha thành hai nửa không đều nhau. Phía tả ngạn là khu vực đồi Strahov gồm Hradcany và Mala Strana. Đây là khu Praha xưa nhất với vô số công trình kiến trúc cổ như lâu đài Praha, hoàng cung, tu viện thánh George, tháp toà Thánh Vitus, cung điện mùa hè, nhà thờ chính toà… tất cả đều là những công trình tuyệt tác về kiến trúc và nghệ thuật – Nhà thờ chính toà là biểu tượng của Cộng hoà Czech, là nơi còn lưu giữ vương miện và di hài của các vua Tiệp.
Cũng tại đây, một toà lâu đài cổ được dùng làm dinh Tổng thống; trụ sở của các Bộ, Ngành và khu ngoại giao đoàn.
Bên bờ hữu ngạn là Staro Mesto – khu phố cổ. Không xa với Stano Mesto là Nove Mesto – khu phố mới, trung tâm của Praha hiện đại với những đại lộ thênh thang và quảng trường Venceslas danh tiếng. Khu phố cổ là nơi đô hội nhất: những con đường xe ngựa nho nhỏ, cong cong; những ngôi nhà ngót nghét ngàn năm tuổi, và quảng trường Staromestske Namesti chực bỏ bùa du khách.
Nơi đây từng diễn ra các sự kiện lịch sử trọng đại. Quảng trường được bao bọc bởi những đền đài, nhà thờ, khách sạn mà mặt tiền được trùng tu theo phong cách Barốc tuy đó là những công trình từ thế kỷ XI và XII theo kiến trúc Roman.
Praha nằm trong vùng đất cổ Trung Âu. Thành phố mang vẻ đẹp của những phố xá hiện đại không dễ nhớ… nhưng chỉ sau vài bước ngoặt là một con đường mòn sẽ dẫn ta theo những bậc đá lên đồi, còn bất chợt một dòng suối nhỏ với cả một cái guồng nước kẽo kẹt xoay tròn… trên đỉnh đồi hiện ra một Nhà thờ nhỏ nhắn, như là cổ tích.
Có thể vào một chiều nào đó, bạn cứ đi qua những khu vườn nhà, leo dần lên cao, cây đang chắn lối, hay hàng rào hoa dại buông lơi, nhưng rồi chỉ vươn người đu lên một mỏm đá nhô ra, là choáng ngợp khi nhìn xuống bức tranh không gian mở ra có dòng sông Vtava tím thẫm, hàng chục cây cầu bắc qua sông, nối hai bờ thành phố đỏ rực mái ngói, xanh rỉ đồng màu thời gian của hàng trăm ngọn tháp nhà thờ, cung điện trên vòm trời hoàng hôn… Ta biết rằng, những vẻ đẹp như thế chỉ gặp được vài lần trong cuộc đời là đã hạnh phúc.
Praha luôn cho ta cảm giác lãng mạn, mẫn cảm, dễ phải lòng ai đó. Có lẽ vì thế, mà cây cầu đá Charles cổ kính nhất châu Âu. Cầu Charles. Cầu mang tên người đã khai sinh ra nó, vị quân vương để lại dấu ấn nhiều hơn bất cứ ai. Cầu được xây năm 1357, bằng đá, 16 nhịp, 515 m dài, 10m rộng. Là kỳ quan kiến trúc thời trung cổ. Là một trong những chiếc cầu ấn tượng nhất châu Âu. Hai bên vai cầu được điểm tô bằng 30 pho tượng thánh. Mỗi pho tượng gắn liền với một huyền thoại lung linh và xúc động.
Bạn nhất định phải tới quảng trường Staromestke, trên tòa thị chính có chiếc đồng hồ Thiên văn được xây dựng từ năm 1410 đến năm 1490, trong suốt 500 năm, cứ tròn 1 giờ, chú gà trống trên nóc đồng hồ cất tiếng gáy, rồi 12 vị thánh tông đồ lần lượt dạo quanh một vòng như để giám sát trần thế dưới kia.
Ở một góc khác của quảng trường chói loà bức tượng thánh Jan Hus. Tiệp là đất nươc xem ra ít anh hùng mà nhiều thánh nhân. Jan Hus là nhà cải cách vĩ đại từng chống lại Giáo hội La Mã để rồi bị hoả thiêu tại đây. Quanh bệ tượng còn khắc ghi những câu nói nổi tiếng của ông. Ví dụ: “Chân lý cuối cùng vẫn là chân lý”.
Đây là Praha của cổ tích cao sang, mãi mãi là câu chuyện kể của những mốc thời gian, của những triều đại tôn thờ cái đẹp, tôn thờ nghệ thuật.
Vẫn còn một Praha hiện đại
Đó là sự gần gũi với hình ảnh những bến tàu điện ngầm metro, tàu chạy phăng phăng qua cây cầu mới trên sông, hay dung dị những chiếc xe đạp thong thả đi ra ngoại ô.
Theo archi