Làm nhà xanh mà không đắt
Gỗ tận dụng, gạch xây không tô, quét vôi cho tường hô hấp tốt… những giải pháp dễ bị xem là thiếu sang trọng nhưng lại góp phần giảm đáng kể chi phí và tác hại môi trường.
Thói đời vẫn vậy, kêu cái gì đó đắt, không hẳn là chuyện bao nhiêu tiền, mà là sự tương xứng với chi phí, công sức, thời gian bỏ ra. Rồi khi làm xong vẫn chưa thể xong, bởi sử dụng nó, chi phí duy trì, bảo dưỡng có nhiều không, có gây phiền toái trong quá trình sử dụng không? Có hợp với chung quanh không hay chỉ là bông hoa lài cắm bãi…?
TS Lê Thanh Sơn đã nhận xét là dường như chúng ta đang “lỗi nhịp” trong việc hòa ca cùng kiến trúc đương đại thế giới, hầu như chỉ biết thụ động tiếp nhận theo kiểu vọng ngoại, sính ngoại, với thái độ nôn nóng muốn mau chóng bắt kịp thế giới bằng những cách thức xa lạ với bản chất, dẫn đến căn bệnh hình thức trong kiến trúc cứ loay hoay chưa trị chưa dứt được.
Dưới cái nhìn khách quan về các giá trị của kiến trúc truyền thống Việt Nam, có thể thấy một nền văn hoá cư trú, ăn ở sao cho hợp thuỷ thổ cả mấy ngàn năm tích luỹ của người Việt đất Việt hoá ra lại rất tương đồng với quan niệm về kiến trúc bền vững hiện nay. Cụ thể là chọn hướng cất nhà, trước cau sau chuối, đào ao lấy đất đắp nền bù trừ âm dương, không gian linh hoạt, hàng hiên chuyển tiếp che nắng tránh mưa, dung hoà thiên địa nhân một cách khiêm nhường.
Do vậy tôi hoàn toàn đồng tình với quan niệm của đa số giới chuyên môn: nhà xanh, nếp ở xanh, ứng xử dung hoà người với nhà và thiên nhiên chung quanh thì cha ông mình đã làm lâu nay, nhưng cứ áp dụng kiểu đó thì giống như resort hoá mọi nhà, chạm phải chuyện quỹ đất đô thị.
Mặt khác, khi không có đủ đất, khi nhà trong hẻm bít bùng thì không lẽ bó tay? Dĩ nhiên phải khẳng định là không thể đi ngược với quy luật phát triển của khoa học công nghệ xây dựng hiện đại để mà suốt ngày nhớ nhung nếp nhà tranh bờ ao chuồn chuồn ớt trong thời nhà mặt phố công nghệ số phổ biến hiện nay.
Chuyện nhỏ khác là cái sân nhà, hay rộng hơn là ra vỉa hè, một thời ai cũng thích bêtông nó, cứng hoá nó, rồi chịu nóng hầm hập, rồi mưa ngập quá giờ phải moi gạch đá lên, đổ đất, trồng cỏ trồng cây, mát hơn, xanh hơn. Để giúp mưa xuống thẩm thấu nhanh. Dĩ nhiên trồng cỏ cây thì tốn chi phí một kiểu, lát gạch cứng thì tốn kiểu khác, nhưng một cái sân nhà hay vỉa hè mà “thở” được thì rõ ràng là hơn hẳn mảng bêtông trơ trọi tích nhiệt hầm hập rồi. Chuyện xanh sao cho khéo, cho “đắt” mà không tốn nhiều tiền là chuyện phải phân tích và tổng hợp mọi thứ chi phí. Từ bỏ chất xám ra thiết kế hợp lý, cho đến chọn vật liệu, kỹ thuật xây dựng, rồi hoàn thiện, rồi vận hành bảo trì, đủ mọi công đoạn, chứ không chỉ là bao nhiêu tiền 1m2 xây dựng.
Theo ThS.KTS Giang Ngọc Huấn: làm công trình xanh không thể nóng vội hay chạy theo phong trào, mà phải có lộ trình rõ ràng, từng bước. Như cái máy nước nóng năng lượng mặt trời vậy đó, bây giờ gắn một bộ trên mái nhà tính ra vẫn đắt hơn mua máy nước nóng đơn lẻ, nhưng người ta vẫn dùng vì đầu tư một lần mà không phải trả tiền điện về sau, an toàn, tiết kiệm, hợp với xứ quanh năm ngày nắng.
Đầu năm tản mạn nhà xanh, thấy ngũ hành trong văn hoá Đông phương không phải là vật chất đơn thuần, mà là hành động, tương tác, ứng xử sinh khắc qua lại, nên tạm mượn ngũ hành làm điểm kết cho chuyện nhà xanh đắt rẻ vậy:
- Hoả: chọn hình khối hợp hướng nhà, biết tốt khoe xấu che, hạn chế mở đón nắng gắt mưa tạt. Thiết kế hệ cửa – bao che hợp lý thì ít dùng đèn ban ngày. Nhà sáng mà không chói, ấm mà không nóng, giữ hỏa cho bếp nồng ấm là giữ lửa cho gia đạo bình yên.
- Thổ: dành chỗ cho đất, đất thở thì người mới thở nổi, giữ đất quanh nhà gắn với san nền thoát nước, giữ độ ẩm, giảm bức xạ. Đất trên mái tạo vườn riêng rau sạch, góc thư giãn hiếm hoi, chống nóng chống thấm chống ồn đủ cả.
- Kim: đặt bài toán chi phí lên hàng đầu khi chọn kiểu nhà kiểu ăn kiểu ở, có cần làm cục này mảng nọ chỉ để thuần trang trí hay không. Đồng tiền đi liền giải pháp, dùng tiền đúng chỗ đúng người: từ thiết kế, tính toán kỹ thuật, chọn lựa vật liệu, phân kỳ xây dựng, hoàn thiện từng bước.
- Thuỷ: dùng nước xoay vòng hiệu quả, thiết bị tiết kiệm nước, thu nước mưa dùng cho việc phụ, tưới cây kết hợp làm mát mái, làm mát tường ngoài nhà.
- Mộc: cây xanh là thứ vốn có xứ ta, vốn không đắt và vốn… xa xỉ nếu không đủ thời gian chăm sóc, thiếu chọn lọc. Cây xanh là cái ngọn của gốc rễ, vấn đề là đưa thiên nhiên vào nơi ở, chọn lựa vật liệu xây dựng gần gốc thiên nhiên, và không hỗn hào với môi trường chung quanh khi xây cất, sử dụng.
Làm được thế, dẫu đắt nhưng tính ra vẫn không đắt, bởi chưa cần du nhập công nghệ nơi nào, xứ mình vốn thế, chỉ bởi mình quên, mình lơ là mà thôi. Giờ nhìn lại, muộn vẫn còn hơn là không.