Nhà ở kết hợp lớp mầm non
Nội dung
Bố trí mặt bằng và phong thủy cho căn nhà 4,5 x19,5 m kết hợp lớp mầm non. Tôi có căn nhà 1,5 tầng, diện tích 4,5 x19,5 m, hướng đông bắc, cầu thang ở giữa nhà, thông thoáng phía sau 1,5 m. Tôi tuổi Bính Thìn, chồng tuổi Kỷ Dậu, có nhu cầu sửa nhà, nâng lên 3,5 tầng, kết hợp vừa ở vừa mở lớp mầm non. (Trương Thị Kim Chung)
Yêu cầu:
Tầng một làm sân chơi, văn phòng phía trước và một lớp học phía sau. Tầng hai có hai lớp học (phía trước và phía sau). Tầng ba là một phòng ngủ của vợ chồng phía trước, một phòng ngủ của bé gái 7 tuổi ở giữa và phòng bếp một chiều phía sau. Sân thượng làm sân chơi ngoài trời.
Mong KTS tư vấn giúp tôi cách bố trí phòng ốc hợp lý. Màu sắc các phòng sao cho hài hòa, phù hợp và giúp tôi một số địa chỉ cung cấp trang thiết bị nội thất phù hợp vừa ở vừa là lớp học.
Xin cám ơn.
Trả lời:
Với câu hỏi của bạn, chúng tôi đưa ra phương án gợi ý sau, tầng một chừa sân nhỏ 2,3 m phía trước nhà. Văn phòng hạn chế trang trí mà chú trọng về không gian sử dụng, vuông vắn vì nhà vệ sinh được đưa xuống gầm thang để mở rộng không gian sử dụng.
Mặt bằng tầng 1
Cầu thang giữa nhà như một cầu nối tất cả các không gian là điểm nhấn cho không gian bên trong. Cầu thang bám theo bể sỏi nhỏ hoặc bể cá tuỳ theo sở thích của gia chủ.
Lớp mầm non được nâng lên 3 bậc là một giải pháp ngăn chia công năng và không gian sử dụng. Bậc thang dài đóng vai trò như một sảnh nhỏ.
Mặt bằng tầng hai
Không gian lớp thông thoáng nhờ lấy thoáng ở cả hai phía trước và sau (buồng thang và khoảng thông tầng). Nhà vệ sinh có hố rửa riêng, với không gian xanh như bước đệm (cây trên nền trái sỏi được hạ cốt). Tầng hai, hai lớp mầm non có không gian rộng và linh hoạt vẫn là giải pháp lấy thoáng từ cửa kính trước nhà, buồng thang giữa nhà, thông tầng sau nhà.
Mặt bằng tầng ba
Tầng ba, giải pháp được KTS đầu tư, có sự kết hợp giữa yêu cầu của chủ nhà và giải pháp kiến nghị của người thực hiện. Theo đề nghị của KTS, do yếu tố không gian sử dụng và đặc biệt là yếu tố thông thoáng, tầng này sẽ có hai phòng ngủ và phòng sinh hoạt chung (có thể là nơi tiếp khách thân mật). Phòng ngủ chính có nhà vệ sinh riêng, với diện tích phù hợp để tắm rửa thư giãn vì đây thực sự là không gian riêng của gia đình. Ban công mở ra mặt tiền và kéo theo chiều rộng căn nhà. Phòng ngủ có thể đặt bàn làm việc, kệ sách, bàn trang điểm… Phòng sinh hoạt chung diện tích không lớn, có nhà vệ sinh được sử dụng chung với phòng ngủ nhỏ. Phòng ngủ nhỏ đầy đủ thông thoáng cho việc học tập, nghỉ ngơi.
Mặt bằng tầng tư
Tầng trên cùng là không gian thư giãn của gia đình, có sân chơi, sân phơi và khu giặt. Nhóm không gian này không sử dụng tường bao che mà chỉ là những hàng lan can chạy dài. Điểm nhấn là chiếc bàn trên một cốt cao hình tròn nền đá để gia đình trò chuyện hay vãn cảnh hoàng hôn.
Bếp và ăn mở tối đa, hầu như chỉ được phân biệt công năng nhờ chênh cốt. Khu ăn bố trí tiểu cảnh với cây xanh và nước tăng thêm sự thú vị thoải mái.
Trong giải pháp này, vấn đề thông thoáng và phong thuỷ được quan tâm. Quả cầu thuỷ tinh, cây xanh, chuông gió, gương, tấm bình phong hay đường cong phản cốt (đường phản cung) đều là những giải pháp phong thuỷ, nhằm hạn chế mặt tiêu cực, tăng cường yếu tố tích cực. Những giải pháp này được phối hợp để đạt được sự hài hoà tối đa với nhu cầu sử dung.
Gia chủ tuổi Bính Thìn (thuộc Ly trong bát quái) thích hợp với màu đỏ nên nội thất nên chú trọng màu này. Bàn trang điểm cũng được chú ý đặt ở hướng phù hợp, tăng thêm may mắn cho gia chủ, đồng thời tận dụng mặt gương soi đem lại khí tốt cho phòng ngủ. Chồng tuổi Kỷ Dậu (Tốn Mộc) hợp hơn với màu xanh, bàn làm việc của chồng được người thiết kế đặt ở vị trí tốt.
Trên đây chỉ là giải pháp gợi ý của người thiết kế. Muốn đạt hiệu quả cao và thực tế hơn, gia chủ cần gặp trực tiếp hoặc tìm một đơn vị thiết kế tin cậy.
Nguyễn Duy Thái
ADKientruc.com